Anton Chekhov (1860-1904) – nhà văn và tác giả kịch vĩ đại người Nga – đã để lại 900 tác phẩm đủ các thể loại, nhưng trong cuộc sống ông còn dạy chúng ta nhiều điều hơn trong các tác phẩm của mình. Ông có người anh ruột Nicolai (1858-1889) là một họa sỹ đầy tài năng, nhưng tiếc thay lại không có bản lĩnh và suốt đời say rượu. Ông rất hiểu, rất thương và buồn cho cách người anh coi thường chính khả năng trời phú của mình. Và ông không có cách nào hơn, là viết cho Nicolai một bức thư, mà đến nay chúng ta đọc lại cũng sẽ tìm được cho mình khá nhiều điều bổ ích...
“Matxcơva 1886
Anh thường than thở với em là “Người ta chẳng hiểu anh!” Đến Niutơn và Gớt còn chẳng than thở về điều đó… Người ta hiểu anh rất rõ! Nếu người khác không hiểu anh, thì đó không phải lỗi của mọi người…
Là một người thân và gần gũi với anh, em có thể khẳng định rằng em rất hiểu và đồng cảm với anh… Em biết tất cả mọi tính tốt của anh, như năm ngón tay của bàn tay mình vậy, đánh giá rất cao và kính nể chúng. Nếu để chứng minh rằng em hiểu và đánh giá cao chúng thì em thậm chí có thể liệt kê chúng ra đây. Theo em thì anh tốt bụng đến mức quá đà, rất rộng lượng, dễ tính, thương người, thương yêu súc vật, không đểu giả, không thù dai, tin người… Anh gặp may hơn rất nhiều người: trời cho anh tài năng! Tài năng đặt anh lên trên hàng triệu người, vì cứ hai triệu người mới có một họa sỹ tài năng…
Tài năng đặt anh vào một vị thế đặc biệt: anh có là con cóc hay con nhện độc, thì mọi người vẫn tôn sùng anh, vì tài năng được bỏ qua, tha thứ tất cả. Anh chỉ có một điểm yếu duy nhất. Nó là nguyên lý sai lầm của anh, của nỗi khổ của anh, của chứng viêm loét dạ dày của anh. Đó chính là tính vô giáo dục đến cực điểm của anh! Xin tha lỗi cho em, nhưng veritas magis amicitiae (chân lý cao hơn tình bạn)… Bởi vì cuộc sống có những điều kiện của nó… Muốn cảm thấy thoải mái trong môi trường trí thức, không trở nên lạc lõng ở đó và không cảm thấy nặng nề thì cần phải được giáo dục một cách căn bản… Tài năng đưa anh vào môi trường đó, anh thuộc về đẳng cấp đó, thế nhưng… anh bị lôi kéo khỏi nó, và anh cứ phải tìm cách cân bằng giữa tầng lớp văn minh và những người vis-a-vis (đối nghịch). Dễ thấy ảnh hưởng của thói tiểu tư sản thành thị, rượu chè, bố thí… Thật khó mà vượt qua được điều đó, quả thật rất khó!
Những người có giáo dục, theo em phải thỏa mãn được những điều kiện sau:
1) Những người có giáo dục trân trọng tính cá nhân, do đó luôn rộng lượng, nhẹ nhàng, lịch sự, nhường nhịn… Họ không phát khùng lên vì mất cái búa hay cái tẩy, nếu sống với ai đó thì họ không coi đó là sự ban ơn, còn nếu ra đi họ sẽ không nói rằng: chẳng thể sống với các người! Họ bỏ qua cho sự ồn ào, cơn giá lạnh, miếng thịt rán quá lửa, các câu nói đùa cũng như sự có mặt của người lạ tại nhà của họ…
2) Họ xót thương không chỉ người ăn mày hay lũ mèo. Họ thương cảm cả với những điều mà mắt thường không nhìn thấy được…
3) Họ tôn trọng tài sản của người khác, do đó trả hết các khoản nợ nần.
4) Họ thật thà và sợ điều dối trá như sợ bỏng. Đến các việc vặt họ cũng chả dám nói sai sự thật. Sự dối trá sẽ xúc phạm người nghe và hạ thấp người nói trong con mắt người nghe. Họ không khoe mẽ, hành xử ngoài đường cũng như ở nhà. Không phét lác đối với lớp trẻ. Họ không ba hoa, không giãi bày tâm sự nhất là khi người khác không yêu cầu. Tôn trọng người khác, họ thường im lặng nhiều hơn.
5) Họ không hạ mình để cho người khác thương cảm và giúp đỡ họ. Họ không khơi gợi lòng trắc ẩn của kẻ khác, để được cảm thông và chăm sóc. Họ chẳng nói: “Người ta chẳng hiểu tôi”…
6) Họ không lăng xăng. Họ chẳng quan tâm đến những hạt kim cương giả, cũng như sự quen biết với những người danh tiếng, sự thán phục của bạn rượu hay lời chào hỏi của những kẻ gác cửa…
7) Nếu họ có tài năng, họ sẽ biết trân trọng nó. Họ sẽ vì nó mà hy sinh thời gian, rượu chè, phụ nữ, giao du…
8) Họ sẽ giáo dục trong mình cái đẹp. Họ không thể mặc nguyên áo quần mà lăn ra ngủ, nhìn thấy tường nứt nẻ đầy rận rệp, hít thở không khí u ám, đi trên sàn nhổ đầy nước bọt, nấu ăn bằng bếp dầu. Họ sẽ chế ngự và tôn vinh bản năng dục tính. Họ không cần ở đàn bà chuyện giường chiếu, mồ hôi dầu, đầu óc toàn chuyện dọa dẫm bằng việc giả vờ có thai và nói dối quanh… Họ- đặc biệt là những họa sỹ – cần sự tươi mới, vẻ hoàn mỹ, tính nhân văn… Họ chỉ uống khi không bận rộn, vào những dịp đặc biệt… Bởi vì họ cần mens sana in corpore sano (tinh thần sảng khoái trong một cơ thể cường tráng).
Để giáo dục bản thân và không đứng thấp hơn môi trường xung quanh… cần phải làm việc cả sáng cả chiều, đọc luôn luôn, lòng hiếu học, lý trí… Từng giờ khắc đều quý… Anh hãy đến đây, đập vỡ cái bình rượu vođka ấy đi, nằm xuống và đọc, hãy đọc chẳng hạn Turgeniev, tác giả mà anh còn chưa đọc ấy…!”
Theo Facebook Nam Nguyen
Bình luận