Hạ đỏ, cũng như những mùa hạ khác của Nguyễn Nhật Ánh, ám ảnh, da diết và vỡ vụn. Có những mùa hạ trôi qua, đong đầy thương nhớ; cũng có những mùa hạ đến rồi lại gạn vợi niềm vui. Đọc câu chuyện, độc giả hẳn không thể nào cầm nổi nước mắt, lại thêm một chuyện tình buồn, khiến nhiều lúc lại bâng khuâng tự hỏi phải chăng tình đầu luôn là mối tình đớn đau nhất.
Câu chuyện kể về Chương, trong một kì nghỉ hè về quê ngoại, vô tình phải lòng Út thêm, cô bạn cùng quê. Những câu chuyện vụn vặt, nhỏ bé góp thành những bức tranh đẹp, mà trong đó Chương và những người bạn của anh là Nhạn và Dế là nhân vật chính. Từ đó mở ra trong tác phẩm vừa là tuổi thơ tràn đầy sức sống, vừa là nỗi đau da diết khôn nguôi, cất lên từ mối tình buồn của Chương và Út Thêm.
Vụn vặt, nhỏ bé mà góp thành tuổi thơ
“Tôi thấy Nguyễn Nhật Ánh trong tuổi thơ” – Hải Đăng
Cũng như con ong biến trăm hoa thành một mật, Nguyễn Nhật Ánh lặng lẽ đi tìm mật ngọt từ tuổi thơ của mỗi người, để kết tinh thành những trang sách làm lay động trái tim của biết bao thế hệ. Tuổi thơ đó là quê ngoại yên bình có Nhạn và Dế, được che chở bằng những lũy tre xanh mát, từng giọt vàng rơi xuống đường quê, khiến người ta nặng lòng không muốn rời. Là những buổi trưa cùng Nhạn vào vườn bắn trộm chim, hái trộm xoài. Là những trận đánh “kinh điển” với Dư, mỗi trận đều hấp dẫn như ngoài chiến trường. Và cả những rung động của tuổi mới lớn. Những kí ức đó là dư vị đã níu giữ chân người đọc mỗi lần đọc Hạ đỏ.
Những câu chuyện hết sức bình dị nay được vẽ lại dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, nên thơ, đẹp đẽ và trong ngần. Ai trong chúng ta chẳng có một mùa hạ để mà nhớ, cũng giống như Chương thôi. Cứ như thế, mùa hạ đỏ lặng lẽ và trầm ngâm, từng chút một hiện ra dưới ngòi bút. Trong mùa hạ đẹp khôn cùng đó, điểm xuyết một vài thanh nhạc trầm đến từ tình yêu không vẹn tròn, nhưng dẫu sao cũng đã thành công dẫn người đọc vào địa hạt của tuổi thơ. Đó chính là mong ước cuối cùng của tác giả mỗi khi viết tác phẩm. Đâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Nhật Ánh được ca tụng là người đi tìm kí ức.
Xem thêm:
Tình đầu ngây thơ
Ai trong chúng ta chẳng có một người để nhớ, để thương, để vấn vương suốt cả một đời người? Út thêm với Chương cũng như vậy. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh éo le, khi Út thêm đưa Dư đến nhà Nhạn và Dế băng bó vết thương vì bị Chương bắn đá trúng đầu. Chàng trai mới lớn của chúng ta ngay lập tức say nắng đôi mắt của cô bạn cùng quê. Lặng lẽ như gió góp thành bão, như mây góp thành trời, như sông dệt thành biển. Tình yêu trong Chương cứ vậy mà lớn dần, Chương bắt đầu biết giả vờ ngồi câu cá để chờ Út thêm đi ngang, biết viết thư tỏ tình lén để vào giỏ của Út. Chương cũng từ bỏ mối thù với Dư- em trai của cô để mơ mộng về một ngày được cưới Út làm vợ. Từ bỏ cả những niềm vui tuổi nhỏ, Chương giờ thích vẩn vơ nghĩ đến đôi mắt của Út hơn là đi chơi cùng Nhạn và Dế. Tác giả đã rất tài tình khi miêu tả tâm lí của những chàng trai mới lớn.
Để thúc đẩy cho chuyện tình của cả hai được đi lên đỉnh điểm, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng tình huống Út thêm không biết đọc để tạo cơ hội cho Chương. Anh chàng trở thành thầy giáo của Út thêm, những ngày tháng cứ trôi qua như thế, êm đềm và giản dị, lặng lẽ mà tràn ngập yêu thương. Tất cả những gì Chương muốn là được hằng ngày ngắm Út. Tình yêu đó ngây thơ trong sáng và thuần khiết.
Ai bảo rằng tình yêu thời học trò thì nhanh qua, chóng tàn. Chương ngay lần đầu biết nếm vị của tình yêu đã yêu thật sâu đậm, thật mạnh mẽ đó thôi? Ở cái tuổi mới lớn ấy, con người ta sẵn sàng hi sinh, vị tha cho tình yêu của mình. Không có ranh giới nào được vẽ ra mà có thể ngăn cách được tình yêu, Chương đã vượt qua những ngại ngùng, những thù hằn để có thể được yêu Út Thêm trọn vẹn.
Nguyễn Nhật Ánh thật biết cách biến những bi kịch thành nụ cười gằn nhẹ, tình yêu của Chương dẫu không vẹn toàn thì tất cả những gì đọng lại sâu nhất trong tâm hồn người đọc vẫn chính là cái trong ngần, cái ngây thơ chất phác của nhân vật khi yêu. Chuyện tình trong Hạ đỏ không cần quá cầu kì, tiểu tiết hay giật gân, vẫn chiếm trọn trái tim người đọc bằng chính sự chân thật của nó. Cứ vậy mà lặng lẽ mà đi vào hồn người, da diết khôn nguôi.
Xem thêm review sách khác của Nguyễn Nhật Ánh
Cám ơn người lớn: Cuốn bí kíp về lòng bao dung giữa hai thế hệ
Mắt biếc: Kết cục buồn cho những kẻ ôm mối tình si
Chuyện cổ tích dành cho người lớn: Câu chuyện không có vai chính diện
Tình đầu một thời cứ ngỡ một đời…
Chương tình nguyện chôn tim mình ở quá khứ đấy, nơi có con đường tràn ngập hoa cỏ may dẫn vào nhà Út Thêm giăng kín cả tâm hồn Chương.
Cứ ngỡ thanh xuân sẽ chìm đắm trong mật ngọt của tình yêu, song, bước chân của số phận chưa bao giờ bỏ lỡ một ai. Yêu thương chưa được bao lâu thì nỗi buồn đã kịp ập tới, Út thêm sang năm phải đi lấy chồng. Chương đành nói lời tạm biệt với mối tình đầu đến nhanh và đi cũng nhanh của mình. Mùa hạ năm nay, Chương không chỉ có được những kỉ niệm tuổi thơ bên Nhạn và Dế, không chỉ có những buổi chiều trên nhà “ Bà la sát” tám chuyện, Chương còn có những vết cắt thật sâu trong tim. Tình yêu của nhân vật mãi dừng lại ở tình bạn, tình thầy trò, lỡ dở chẳng thể nào bước tiếp.
Tất cả những gì còn lại sau một mùa hạ đáng nhớ, lại là sự nuối tiếc trong nhân vật. Bỏ ngỏ câu chuyện của Chương, Nguyễn Nhật Ánh như bỏ ngỏ cả tâm trạng nhân vật, nửa mơ nửa tỉnh, nửa đau thương nửa oán hận. Đó đều là những cảm xúc rất thật khi yêu.
Và thế là dẫu không đành lòng, Chương cũng phải rời xa miền quê thanh bình, rời xa Út thêm, trang văn vì vậy mà cũng đượm buồn theo nhân vật. Cứ ngỡ yêu một người là trong một khoảnh khắc, lại lỡ chân yêu cả một đời người. Chao ôi! Vậy mới biết, có mùa hạ nào của Nguyễn Nhật Ánh là được vẹn toàn? Có bao giờ ông không quên điểm xuyết một vài nốt trầm lặng lẽ, một vài giọt nước mắt hụt hẫng? Bởi tuổi thơ thì chẳng phải luôn ngập tràn sóng gió hay sao?
Hạ đỏ là cuốn sách mà khi gấp lại vẫn còn buồn da diết, xót thương cho chính nhân vật. Với những ai đang muốn kiếm tìm một mùa hạ đã mất của mình, Hạ đỏ là một cuốn sách không thể bỏ lỡ trong tủ sách của các bạn.
Bình luận