Nhắc đến Nhật Bản, người ta hay nghĩ đến những bộ kimono rực rỡ sắc màu và những tiếng nhạc nhịp nhàng mà lôi cuốn từ những cây đàn shamisen hay những chiếc trống taiko. Và khi nói đến Nhật Bản, khó ai có thể quên được những nàng Geisha duyên dáng ngồi hầu trà khách và kể những câu chuyện lôi cuốn hay ngâm những bài haiku hấp dẫn. Mọi người đều coi Geisha là một đại diện cho nét đẹp của Nhật Bản, nhưng hiếm ai - kể cả người chính quốc - có thể tìm hiểu tường tận về cuộc đời của những nghệ sĩ này. Trong số những tác phẩm văn học về Geisha, có một cái tên đã từng làm mưa làm gió một thời, bởi nó kể những câu chuyện mà vốn dĩ không ai muốn nhắc đến - câu chuyện của những nàng Geisha xứ Phù Tang. Và bất ngờ hơn, Hồi ức của một Geisha được chắp bút bởi một tác giả không phải người gốc Nhật - nhà văn người Mỹ Arthur Golden. Cuốn tiểu thuyết của ông kể về cuộc đời nàng Geisha Nitta Sayuri - hay tên thật là Sakamoto Chiyo - huyền thoại một thời của khu phố Gion, Kyoto. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, bắt đầu từ tuổi thơ Chiyo ở làng Yoroido, tới thời gian nàng học tập và hành nghề tại Gion, đến lúc nàng đã chuyển đến New York ở tuổi trung niên.
1. Vài nét về tác giả và bối cảnh ra đời tác phẩm:
Arthur Golden chào đời vào năm 1956 tại Tennessee, Hoa Kỳ. Gia đình bên ngoại của ông có truyền thống báo chí: mẹ của ông là con gái và cháu ngoại của hai nhà xuất bản sách Times). Ông tốt nghiệp Đại học Harvard ngành lịch sử nghệ thuật với chuyên môn là nghệ thuật Nhật Bản. Ngoài ra, Golden còn có bằng cử nhân ngành lịch sử Nhật Bản tại Đại học Columbia. Ông đã từng có thời gian làm việc tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong thời kỳ ở Nhật, ông đã phỏng vấn một số Geisha, trong số đó có bà Mineko Iwasaki, người đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình sáng tác Hồi ức của một Geisha.
2. Cuộc đời của một “Geisha”:
Thế giới của Geisha vốn là một nơi kín đáo và phức tạp. Ở đây, im lặng là một luật bất thành văn. Kẻ không biết giữ im lặng thì sẽ hạ nhục chính mình và gây tổn hại đến người khác, dù là cố tình hay vô ý. Trở thành Geisha không chỉ là khoác tấm áo kimono mỹ miều và ngồi tiếp chuyện ở phòng trà. Geisha được coi là chuẩn mực của cái đẹp hoàn mỹ trong văn hóa Nhật Bản. Họ không những phải xinh đẹp mà còn phải tài năng và duyên dáng trong ứng xử. Trong bối cảnh của tác phẩm (từ những năm 1920 đến trước thế kỷ 21), Geisha được coi là hình mẫu mà mọi phụ nữ theo đuổi, có thể hiểu họ giống như những người mẫu thời trang hiện nay. Phụ nữ, nhất là trong giới thượng lưu, lấy cách họ ăn mặc và trang điểm làm chuẩn mực cái đẹp. Không những thế, Geisha còn xuất hiện trên các áp phích vào thời kỳ này với mục đích quảng bá hình ảnh của Nhật Bản cho bạn bè quốc tế.
Để trở thành Geisha, các cô gái trẻ phải tuân theo chỉ dẫn của các giáo viên cũng như “chị cả”. “Chị cả” ở đây chỉ một Geisha lớn tuổi làm nhiệm vụ hướng dẫn và đỡ đầu đàn em. Họ phải giám sát các maiko (Geisha tập sự) trong việc học hành, đồng thời phải là người chịu trách nhiệm khi các cô đến phòng trà trong năm đầu tiên. Nếu các maiko không chịu nghe lời chị cả, họ không những khó tìm người hướng dẫn khác mà còn dễ mất sự ưu ái của okiya (nhà nhận nuôi Geisha). Như Mameha, chị cả của Chiyo đã dặn dò:
Đã đến lúc cô phải để ý, người Geisha phải giữ gìn ý tứ trước mặt mọi người . Bây giờ tôi nói những điều nghiêm ngặt cho cô nghe. Trước hết tôi yêu cầu cô làm tất cả những điều tôi yêu cầu và đừng hỏi tôi hay là nghi ngờ tôi. Tôi biết thỉnh thoảng cô không vâng lời Hatsumono hay bà Nitta, chắc cô cho đấy là việc đáng thông cảm, nhưng đối với tôi, cô nên tuyệt đối vâng lời, đừng để những việc như trước xảy ra nữa.
Hơn nữa, trong thế giới của Geisha, việc giành giật cảm tình hay sự nổi tiếng không phải là hiếm gặp. Mỗi Geisha đều phải ngày ngày đối mặt với sự ganh đua và ghen ghét, không chỉ với bạn bè cùng trang lứa mà còn với cả những người dày dạn kinh nghiệm. Mọi hành động đều được quan sát tỉ mỉ đến mức không tưởng: chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến một con người rơi vào bước đường cùng. Mameha kể rằng cô biết Hatsumomo từ khi cả hai còn rất bé, và chẳng khi nào cô mất cảnh giác trước những mánh khóe lươn lẹo của ả. Chính cô đã phải cảnh báo Chiyo, đứa trẻ xấu số đang chung sống dưới một mái nhà với Hatsumomo rằng:
Cô phải hết sức cẩn thận đừng để cho Hatsumono lừa cô. Và lạy trời, đừng làm cái gì để nợ của cô bị gia tăng thêm. Ngay cả việc đừng làm bể một tách trà.
Có thể thấy rõ ràng, thế giới của Geisha vốn không phải chỉ tràn ngập những điều hào nhoáng mà còn có cả những góc khuất và những nỗi khổ đau. Từ khi được bán vào okiya, mỗi Geisha phải đấu tranh không ngừng nghỉ, không chỉ để dành cảm tình từ những người khách mà còn cả từ những người trong nghề. Chỉ cần không vừa ý những người sống ở nhà kỹ nữ cũng là cả một vấn đề lớn. Bất cứ sai lầm nào trong thời gian hành nghề - như việc làm mất lòng khách, bỏ trốn hay gây sự với đàn chị - thì đều phải chịu những hình phạt gay gắt và số lãi nợ cứ thế tăng dần lên. Nhẹ thì đánh đòn, nặng hơn một chút thì bị cấm túc, kinh khủng nhất là bị đẩy xuống làm người hầu và không bao giờ được học làm Geisha nữa.
Khi cháu hành nghề Geisha, cháu sẽ trả số nợ ấy cho nhà kỹ nữ, cùng các thứ nợ khác, nợ ăn uống, nợ học tập, nếu cháu bệnh hoạn, tiền trả cho bác sĩ. Tất cả cháu đều phải trả. Bộ cháu không thấy Mẹ cứ ngồi cả ngày ghi chép những con số vào sổ đấy à? Cháu lại còn nợ nhà kỹ nữ số tiền họ bỏ ra mua cháu nữa.
Đó là những lời bà Dì - một người phải trở thành đầy tớ thay vì trở thành Geisha trong nhà kỹ nữ Nitta - nói với Chiyo. Bà đã dạy Chiyo bài học đầu đời về thân phận của một Geisha. Người con gái bước vào con đường này không khác gì một con thú bị mua đi bán lại: phải chịu sự huấn luyện khắt khe, chưa kể còn chịu biết bao cay đắng tủi hờn. Để có được một Geisha, okiya không những phải trả một số tiền lớn để mua các bé gái mà còn phải tốn rất nhiều chi phí để nuôi các bé ăn ở, học tập. Khi các cô gái trở thành Geisha, họ sẽ phải tiếp khách cật lực ở các phòng trà để trả món tiền khổng lồ mà okiya đã chi trả để nuôi dạy họ.
Tuy nhiên, vài người may mắn hơn thì có thể có hai cách để tồn tại. Trong truyện, Mameha đã chỉ rõ cho Chiyo hiểu: trong giới Geisha, “nổi tiếng” và “thành công” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Geisha kiếm được nhiều tiền nhưng không thể giải thoát bản thân khỏi nhà kỹ nữ thì cô ta vẫn chỉ là một con nợ không hơn không kém:
Tôi không nói nổi tiếng – Mameha đáp – Tôi nói thành công. Đi đến dự nhiều buổi tiệc không phải là vấn đề. Tôi sống trong căn hộ rộng rãi với hai người hầu, trong khi Hatsumono – có lẽ cô ta đi dự tiệc nhiều như tôi – cứ phải sống trong nhà kỹ nữ Nitta. Khi tôi nói thành công, tôi muốn nói Geisha nào không sắm được toàn bộ áo kimono cho mình – hay cô nào không được nhà dạy kỹ nữ nhận làm con, điều này giống như điều trên – thì cô ta sẽ bị người khác điều khiển cả đời.
Cách thứ nhất để thành công trong giới Geisha là phải trở thành con nuôi của “Mẹ Lớn” (chủ nhân của okiya). Nói cách khác, họ sẽ trở thành người đứng đầu okiya và nắm toàn quyền quyết định về sổ sách và nhân sự của nơi này khi người chủ nhà cũ qua đời. Con nuôi của okiya không những phải là một Geisha xuất sắc mà còn phải là một người có đầu óc kinh doanh và lòng trung thành để có thể điều hành nhà kỹ nữ. Bà Nitta đã từng nhắm đến Hatsumomo và Bí Ngô, nhưng cả hai đều không đủ tiêu chuẩn: Hatsumomo thì quá nanh ác và tham lam - ả sẽ bán tất cả số kimono nhà Nitta có trong kho để thỏa mãn thói xa xỉ. Trong khi Bí Ngô thì quá chậm chạp và vụng về - một người như cô bé thì tự lo cho bản thân mình còn khó. Chỉ còn có Chiyo, hay Sayuri, là được tin tưởng: tài năng, thông minh và trung thành.
Cách thứ hai để thành công chính là các Geisha phải tìm được một người đàn ông bảo trợ cho mình - những người đàn ông này được gọi là “danna”. Danna sẽ giúp Geisha trả hết nợ, thậm chí họ có thể chi trả học phí, kimono, đồ trang điểm, tiền thuốc men và tài trợ cho các buổi trình diễn của Geisha; với điều kiện các Geisha phải trở thành tình nhân của họ (đúng hơn là một người vợ hờ) và tham dự mọi buổi tiệc với họ. Theo như lời của Mameha, Geisha mà có người bảo trợ là một lợi thế cực kỳ to lớn. Ngài Nam tước, danna của Mameha, không chỉ trả hết mọi nợ nần cho cô mà còn mua cho cô một căn hộ, hai người hầu, cùng vô số trang sức cần thiết cho một Geisha. Có thể hiểu đây là một ví dụ điển hình cho việc Geisha hoạt động độc lập mà không cần được okiya nhận làm con nuôi.
3. Sakamoto Chiyo và Nitta Sayuri:
Mở đầu câu chuyện, chính Chiyo đã phủ nhận rằng: “Tôi sinh ra không phải là một Geisha ở Kyoto, mà Kyoto cũng chẳng phải nơi tôi ra đời”. Nói cách khác, việc nàng trở thành Geisha vốn là một chuyện ngoài ý muốn. Chiyo sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo, trong một “căn nhà ngà ngà say”. Năm nàng lên chín, mẹ lâm bệnh nặng, còn bố thì đã già yếu. Tanaka Ichiro, một người đàn ông giàu có trong làng Yoroido, đã đề nghị ông Sakamoto để mình đưa hai cô bé đi. Nhưng chắc chắn ông Sakamoto không hề hay biết các con mình sẽ bị đưa đến đâu, bởi lẽ những lời hứa hẹn của ông Tanaka rất ngọt ngào:”Tôi biết, nhưng đi xa nhà, các cô sẽ được sống sung sướng hơn, vì chắc bác cũng đỡ hơn. Nếu bác đồng ý thì chiều mai bác cho các cô ấy xuống làng gặp tôi.”. Chiyo và Satsu - chị gái nàng - thậm chí còn lầm tưởng ông Tanaka sẽ nhận nuôi cả hai, cho tới khi có một người phụ nữ đến kiểm tra hai chị em và tuyên bố:”Cả hai đều khỏe mạnh, xứng đáng và còn trinh nguyên. Con em đẹp hơn con chị.” Rồi chuyến tàu đến Gion, khi hai chị em bị ông Bekku, người thợ may kimono kéo đi xềnh xệch, Satsu còn run rẩy:”Chiyo, em có biết chúng ta đang đi đâu không?” Nghiễm nhiên, như lời bà cụ nói, Chiyo “đẹp hơn chị” nên nàng đã được giữ lại okiya của nhà Nitta để học tập, còn Satsu thì bị đẩy vào một khu riêng biệt - khu vực của gái mại dâm. Sau vài tuần, hai chị em đã thử gặp nhau và chạy trốn, nhưng chỉ có Satsu chạy thoát, còn Chiyo thì bị thương và bị đuổi xuống làm người hầu. Thế nhưng, cuộc đời nàng chưa dừng lại ở đó, đặc biệt là sau khi gặp gỡ Mameha ở đám tang…
Có thể thấy, Chiyo đã bộc lộ những tố chất để trở thành một Geisha từ rất sớm. Trong hai chị em, Chiyo may mắn thừa hưởng cặp mắt xám của mẹ mình, một màu mắt hiếm ở châu Á. Cặp mắt này là điểm nhấn cho ngoại hình của nàng. Ngoài ra, Chiyo còn sở hữu một chiều cao hiếm có ở Nhật Bản - trong khi trước năm 1945, hầu hết người Nhật không cao quá 160 cm. Mặc dù luôn bị Hatsumomo chế nhạo là có cặp mắt ”kì dị” và thân hình “như cây sào”, Chiyo vẫn luôn nhận được những lời khen ngợi về nhan sắc, từ ông Tanaka:
Vì sao một ông lão có cái đầu giống quả trứng lại có thể đẻ ra một cô gái xinh đẹp như cháu?
Tới bà Dì: “
Mọi người nhìn đi, mắt con bé đẹp quá, trong như nước ấy!
Rồi ông Awaji cũng phải thốt lên:
Cô bé có đôi mắt màu gương!
Cho đến “chị cả” Mameha cũng phải trầm trồ:
Mắt cô bé có màu xanh xám đẹp quá! Không phải cô gái nào ở Gion cũng sở hữu cặp mắt hút hồn như thế này đầu!
Và còn chưa kể biết bao nhiêu quý ngài đến Gion đều ngưỡng mộ vẻ đẹp của nàng. Qua ngòi bút của Golden, Chiyo - hay Sayuri - hiện lên như một nữ thần thanh lịch và tao nhã. Dù nàng trang điểm hay không trang điểm, khoác kimono hay áo người hầu, ở nàng vẫn toát lên một vẻ đẹp rạng ngời khó ai bì kịp.
Điểm thứ hai tôi chú ý ở Chiyo là trí tuệ sắc sảo của nàng.Ngay từ những trang sách đầu tiên, tôi đã ấn tượng với ngôn từ của Chiyo, dù nàng là một cô bé chín tuổi hay một phụ nữ trung niên.
Tôi thấy như chú chim bay về tổ cũ mà thấy tổ bị chiếm.
Ngôi nhà của chúng tôi lúc nào cũng ngà ngà say. Thi thoảng khi biển hắt xì vào đất liền, nhà tôi lại ngả nghiêng như sắp đổ.
Bố cháu có cái đầu tròn như cái trứng, thưa ông Tanaka.
Nếu không phải là một người có trí tuệ sắc sảo thì không thể sử dụng ngôn từ một cách nhuần nhuyễn và sinh động như vậy. Ngôn từ của nàng không quá văn hoa hay cầu kỳ như các văn sĩ, mà giản dị và đầy ý nghĩa - một đặc trưng của ngôn ngữ dân gian Nhật Bản. Giống như các Geisha, Chiyo trân trọng những giá trị của dân tộc mình, không chỉ về nghệ thuật biểu diễn mà còn nghệ thuật ngôn từ. Nàng đã vận dụng khéo léo các giá trị truyền thống của dân tộc mình, một yêu cầu mà mọi Geisha đều phải đáp ứng được.
Theo như Mameha nhận xét, Chiyo là người có hoài bão và ưa tự do:
Kiên nhẫn đợi chờ không hợp với cô đâu. Tôi thấy cô là người có mạng thủy, mà nước không bao giờ chờ đợi. Nó biến dạng, chảy khắp nơi, tìm những xó xỉnh không ai ngờ để chảy tới. Nó tìm cái lỗ tí ti trên mái nhà hay dưới đáy thùng để chảy qua. Nước là yếu tố đa năng nhất trong ngũ hành, rõ ràng như vậy. Nó cuốn đất đi, dập tắt lửa, làm cho sắt rỉ và mục ra. [...] Thế mà cô không biết lợi dụng sức mạnh ấy trong cuộc đời ư?
Chiyo có mạng thủy, và tính cách của nàng được so sánh với dòng nước: linh hoạt, không ngừng di chuyển, không ngừng tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Nàng thử tìm kiếm tự do bằng cách chạy trốn, nhưng không thành. Sau khi trò chuyện với Mameha, nàng đã ngộ ra một hướng đi khác cho mình: tiếp tục học tập và trở thành một Geisha xuất chúng. Nàng không từ bất kỳ cơ hội, mọi phương pháp để học. Khi thì nhẩm lại những làn điệu đã học ở lớp, khi thì múa những điệu múa cô giáo dạy khi vẫn đang nằm trên giường. Nói cách khác, Chiyo đang “chảy” qua các ngõ ngách của thế giới Geisha…
Tuy nhiên, điều tôi tiếc nuối nhất là sự chấm dứt của tình bạn giữa Chiyo và Bí Ngô, khi cả 2 cô bé đều đang ở dưới trướng hai kỳ phùng địch thủ của quận Gion: một bên là đại mỹ nhân quỷ quyệt Hatsumomo, một bên là Mameha tài sắc vẹn toàn. Nhưng theo tôi, chỉ cần nhìn vào hai cô bé khi mới bắt đầu vào okiya của bà Nitta, cả các nhân vật trong truyện lẫn độc giả đều có thể mường tượng ra được ai mới là kẻ giành chiến thắng chung cuộc. Bí Ngô tuy vào trước, học hành chăm chỉ nhưng lại kém thông minh và kém hấp dẫn; trong khi Chiyo vừa quyến rũ lại vừa lanh lợi, chưa kể còn được phái nam để ý. Và trong giới Geisha, kẻ yếu thế hơn thì sẽ bị loại bỏ, và tranh chấp diễn ra là điều hiển nhiên. Do đó tình bạn của Chiyo và Bí ngô kết thúc chỉ là một sớm một chiều, Hatsumomo lẫn Mameha đều không cần phải nhúng tay vào. Chính Chiyo cũng cảm thấy thật chua xót khi Bí ngô và nàng ở cùng nhau bao nhiêu năm rồi cũng thành kẻ thù không khác gì hai tiền bối của họ. Tuy vậy nàng cũng không phủ nhận việc đôi lúc đã ghen tức vì Bí ngô được học trước nàng, còn nàng phải làm người hầu.
4. Lời kết:
Hồi ức của một Geisha không kể câu chuyện về một danh nhân hay một anh hùng, mà kể về một nhóm người thầm lặng đã góp phần gìn giữ bản sắc của xứ sở hoa anh đào. Geisha không phải là chiến binh hay anh hùng, họ chỉ là những nghệ sĩ tô điểm cho đời bằng nghệ thuật và tài năng. Thế nhưng, ý chí của họ lại mang đậm phong cách của con người nước Nhật: kiên cường và bất khuất.
Review chi tiết bởi: Thanh An Nguyễn - Bookademy
Hình ảnh: Lê Thủy Tiên
Bình luận