Bên trong mỗi con người chúng ta đều mang một nguồn năng lượng tiềm ẩn vô cùng mạnh mẽ. Nếu như biết cách giải phóng nguồn sức mạnh tiềm năng này, bạn sẽ dễ dàng đạt được những thành công như ý muốn. Thực tế đã chứng minh rằng những người thành công đều là những người có khả năng khai phá nguồn nội lực tiềm tàng này tốt hơn hẳn những người khác, giúp họ trở nên khác biệt so với phần còn lại. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể mở tung và vận dụng được nguồn sức mạnh tích cực đang tiềm ẩn trong chính con người mình? Phối hợp triết lý Đông và Tây, cuốn sách Mặt dày Tâm đen (Thick face Black heart) của tác giả Chin-ning Chu sẽ đưa ra câu trả lời dành cho bạn.
Nguyên là CEO của hãng tư vấn Asian Marketing Consultants và Viện Strategic Learning Institute, Chin-ning Chu được đánh giá là một trong những nhà chiến lược kinh doanh người Trung Quốc xuất sắc nhất. Không chỉ là một nhà chiến lược hàng đầu, Chin-ning Chu còn là tác giả của rất nhiều cuốn sách bán chạy. Và nếu như bạn đã từng nghe hoặc đọc cuốn sách Binh pháp Tôn Tử dành cho phái đẹp hay Làm ít được nhiều thì chắc chắn bạn sẽ không còn quá xa lạ với cái tên Chin-ning Chu. Bà chính là tác giả của hai cuốn sách kinh điển ấy.
Nối tiếp với sự thành công của Binh pháp Tôn Tử dành cho phái đẹp và Làm ít được nhiều, Mặt dày Tâm đen của Chin-ning Chu được chắp bút với kỳ vọng sẽ mang tới cho độc giả thật nhiều thông tin và bài học đắt giá trong việc khơi dậy sức mạnh tiềm tàng bên trong bạn, giúp bạn đạt được sự minh xác và tập trung không thể lay chuyển, từ đó hoàn thành được sứ mệnh thực sự của mình.
Cốt lõi vấn đề: Bản chất của “Mặt dày, Tâm đen”
Bạn cần hiểu rõ cốt lõi của 4 từ “Mặt dày, Tâm đen”, bởi tư duy này sẽ xuyên suốt cuốn sách cùng tên của tác giả Chin-ning Chu.
Để đơn giản hoá khái niệm, hãy tách tư duy trên thành 2 cụm từ lẻ: “Mặt dày” + “Tâm đen”.
“Mặt dày” nói tới lớp vỏ của chúng ta hay nói cách khác, đây là một “chiếc khiên” bảo vệ lòng tự trọng của chúng ta khỏi sự chê trách của người khác. Người “mặt dày” có khả năng dập bỏ sự nghi ngờ chính mình. Họ từ chối chấp nhận những hạn chế mà người khác cố áp đặt cho họ và quan trọng hơn, họ không chấp nhận bất cứ giới hạn nào mà chúng ta vẫn thường áp đặt cho chính mình. Bạn không đỗ vào Đại học Y Hà Nội và phải nhận những lời chê cười từ bạn bè đồng chang lứa nhưng không sao, bạn không nhụt chí. Bạn quyết tâm ôn và chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi năm sau với niềm tin mãnh liệt rằng bạn chắc chắn sẽ đỗ. Bạn là một người “mặt dày”.
“Tâm đen” nói tới “ngọn giáo” để bạn giương lên chiến đấu với những người khác và với chính mình. Người “tâm đen” phải biết vượt lên sự thương xót thiển cận để tập trung vào các mục đích của mình và phớt lờ cái giá của nó. Người “tâm đen” có can đảm để thất bại. Bạn đã đỗ vào Đại học Y Hà Nội nhưng khổ nỗi, bạn lại có một khuyết điểm tâm lý mang tên “Sợ máu”. Bạn sẽ không thể trở thành bác sĩ nếu không khắc phục được nhược điểm này. Là một người “tâm đen”, bạn sẵn sàng gạt bỏ nỗi sợ sang một bên và hoàn toàn tập trung vào kết quả phải đạt được: Nhất định phải trở thành bác sĩ giỏi.
Một logic dễ thấy, “Mặt dày, Tâm đen” chính là sự tổng hoà của hai yếu tố: “Mặt dày” và “Tâm đen”. Khi rèn luyện thành công tư duy này, bạn sẽ có khả năng phớt lờ sự chỉ trích, chế giễu và phán xét từ người khác, đồng thời tập trung thực hiện những nhiệm vụ của mình.
Mặt dày, Tâm đen chính là sự tàn nhẫn mà cũng không phải là vấn đề tàn nhẫn, bạn sẽ học được rằng bằng cách xây dựng một sự tàn nhẫn “không tàn phá”, bạn sẽ có sự tự do cần thiết để thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cuộc đời bạn.
11 nguyên tắc để đạt được tự do: Chuẩn bị cho “Mặt dày, Tâm đen”
Mặt dày Tâm đen của Chin-ning Chu đưa ra 11 nguyên tắc để bạn đạt được sự tự do.
Nguyên tắc I: “Phá vỡ sự gò ép của những quan niệm bên trong và những tiêu chuẩn bên ngoài”. “Mặt dày, Tâm đen” vốn dĩ là trạng thái tự nhiên của chúng ta, tuy nhiên nó đã bị thất lạc bởi những quan niệm bên trong (là phép tắc về cách ứng xử và cảm nhận) và tiêu chuẩn bên ngoài (là kỳ vọng và niềm tin của người khác). Để đạt được trạng thái này, bạn phải đòi lại trạng thái tự nhiên của con người thật bên trong bạn.
Nguyên tắc II: “Tìm kiếm lòng tin vững chắc bên trong bản thân bạn”. Bạn cần tin tưởng vào chính hành động của mình, có lòng tin vững chắc vào sự lựa chọn của bạn.
Nguyên tắc III: “Khám phá bí mật trong sự kiên cường của cây sồi và sự khiêm nhường của cỏ”. Nói cách khác, bạn cần biết cách điều khiển hành động của mình phù hợp với thời điểm. Khi nào cần vận dụng sức mạnh “phá huỷ” của mình và khi nào thì nên quy phục sức mạnh “phá huỷ” của đối phương? Bạn cần kiểm soát điều này.
Nguyên tắc IV: “Hiểu được chính mình”. Để giải phóng bản thân và thoát khỏi sự chi phối của những tư tưởng độc đoán, bạn phải có sự dũng cảm để dám làm những gì bạn phải làm mà không cần quan tâm đến những gì người khác nghĩ.
Nguyên tắc V: “Đập tan nỗi sợ thành công và nỗi sợ thất bại”. Thành công và thất bại đều đáng sợ vì nó liên quan đến sự thay đổi, trong khi con người lại có xu hướng ngại thay đổi. Bạn cần phải biết cách vượt qua trở ngại khó chịu này.
Nguyên tắc VI: “Hiểu được bản chất của ảo tưởng và thực tế”. Hãy tỉnh táo, bởi chúng ta luôn cố gắng sửa đổi thực tế và đôi khi nó dẫn tới hệ quả là gây ra sự nhầm lẫn giữa thực tại với ảo tưởng.
Nguyên tắc VII: “Tinh thông những điểm khác biệt giữa đức hạnh và sự phù phiếm”. Đừng để những hiểu biết hạn chế biến quan niệm đức hạnh của bạn trở thành động cơ của tội ác.
Nguyên tắc VIII: “Vượt qua sợ hãi”. Nỗi sợ không bao giờ quá khủng khiếp một khi bạn nhìn thẳng vào nó.
Nguyên tắc IX: “Hãy vươn lên trên khao khát tìm vui lánh khổ”. Đơn giản là vì cái giá của sự vĩ đại vượt lên trên cả chuyện tìm vui lánh khổ.
Nguyên tắc X: “Giành lấy lòng dũng cảm để tin tưởng vào bản thân”. Đôi khi sự thành công của bạn sẽ được dẫn dắt bởi những điều do trái tim và tâm trí mách bảo chứ không phải là những niềm tin của thời đại.
Nguyên tắc XI: “Nhận ra bản chất Mặt dày, Tâm đen của tạo hoá”. Vũ trụ và tạo hoá là những thực thể lớn lao. Bạn không thể nhìn thấy tổng thể, vì thế hãy nhìn nhận bản chất, từ đó hiểu rõ hơn về tạo hoá.
Dharma: Nền tảng của “Mặt dày, Tâm đen”
Chin-ning Chu đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cốt tuỷ và 11 nguyên tắc của “Mặt dày, Tâm đen”, và bây giờ chính là lúc bạn có thể bắt đầu rèn luyện tư duy này. Thứ bạn cần chính là một nền tảng, và đó là Dharma.
Dharma là nền tảng của Mặt Dày, Tâm Đen. Những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen đều dốc sức đeo đuổi những hành động đúng đắn của họ. Họ tự chất vấn mình trong mỗi và mọi tình huống: “Dharma của tôi tại thời điểm này là gì?”
Dharma là gì? Hiểu đơn giản, Dharma là sự hiểu biết về hành động thích hợp cho bất cứ tình huống nào được đưa ra. Nó có nghĩa là “hành động phù hợp với bổn phận của một người”. Để minh hoạ rõ hơn cho khái niệm này, hãy tiếp tục với ví dụ bên trên: Sau chục năm dùi mài kinh sử, bạn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và trở thành bác sĩ đa khoa. Vậy bổn phận của bạn dưới cương vị này là gì? Câu trả lời rất đơn giản: “Bổn phận của tôi là chữa bệnh cho bệnh nhân”. Và khi đó, chúng ta nói rằng: “Chữa bệnh cho bệnh nhân” chính là Dharma của bạn – một bác sĩ.
Chỉ một ví dụ đơn giản cũng quá đủ để bạn hiểu hơn về Dharma, đúng không?
Nếu Dharma được tuân theo, thế giới sẽ hài hoà với quy luật tự nhiên, bởi khi đó mỗi cá nhân đều làm đúng bổn phận của họ. Còn với “Mặt dày, Tâm đen”, Dharma chính là nền tảng. Chỉ bằng cách duy trì nhận thức của bạn về Dharma, bạn mới bắt đầu hiểu được bạn cần gì để biết suy xét đúng đắn trong cả ý nghĩ và hành động. Nếu không ý thức về Dharma, bạn sẽ trở thành một người thực hành “Mặt dày, Tâm đen” vô lương tâm.
Có nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp khi được hỏi về mong muốn việc làm sau khi ra trường thì họ đều trả lời không biết sẽ làm công việc gì. Những bạn sinh viên này cần phải trải qua một giai đoạn khám phá mới có thể tìm ra được dự định của mình.
Chỉ cần nhận thức rằng có một dự định thiêng liêng dành riêng cho cuộc đời bạn đang chờ để hiển lộ trong từng ngày trôi qua, bạn sẽ bắt đầu chủ động hoà nhịp với mỗi sự việc xảy ra trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp của mình. Hãy đón nhận mỗi sự việc bằng con mắt của người thám tử và cố gắng vén màn bí mật của vận mệnh. Đó là Dharma đầu tiên và tối quan trọng để khám phá định mệnh và đường đời của bạn.
Vì cuộc đời của bạn là do bạn chịu trách nhiệm, hãy sống thật với những khát vọng của bản thân.
Thực hành: Những chiến lược “Mặt dày, Tâm đen”
Thông qua cuốn sách Mặt dày Tâm đen, Chin-ning Chu sẽ chỉ cho bạn những chiến lược đắt giá, giúp bạn khai thác tối đa tiềm năng đang ngủ quên trong chính con người bạn.
Bạn hoàn toàn có thể giành chiến thắng nhờ lối tư duy tiêu cực. Nếu bạn chịu xem xét đúng mức đặc tính tiêu cực của bạn, bạn có thể phát hiện ra thực sự chúng có thể là tài sản quý giá nhất trong việc phát triển nghề nghiệp của bản thân. Hãy là một người suy nghĩ tiêu cực theo cách tích cực. Hãy làm công việc của bạn, tập trung năng lượng vào ngọn lửa hi vọng của bạn dù cho hi vọng này có thể phi thực tế.
Chiến lược tiếp theo là chiến lược chịu đựng. Chịu đựng là một phẩm chất quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách của chúng ta. Nếu bạn có khả năng nhẫn nại mà chịu đựng, hiểu thấu khó khăn, chấp nhận gian khó, từ đó vượt lên sự chế giễu và sỉ nhục thì bạn sẽ dễ dàng đạt được thành công hơn. Lý do là vì khi bạn có sức mạnh chịu đựng, đặc biệt là chịu đựng rủi ro, bạn sẽ nhận ra được cơ hội trong đó. Cơ hội sẽ tự bộc lộ trong quá trình chịu đựng. Các cụ vẫn nói “Trong cái rủi có cái may” và căn nguyên của nó chính là sự chịu đựng.
Điều khiến cho một người thực sự vĩ đại là việc biết cách chịu đựng những điều không thể chịu đựng được và nhẫn nhịn những điều không thể nhẫn nhịn được.
Kiểm soát thái độ với đồng tiền cũng là một chiến lược mà những người thực hành “Mặt dày, Tâm đen” cần rèn luyện. Không phủ nhận vai trò của tiền trong cuộc sống của chúng ta, bởi nó là yếu tố có khả năng gợi nhiều cảm xúc nhất cho con người. Càng nhiều tiền, bạn càng thấy không bao giờ đủ và ngược lại, khi không có tiền thì bạn lại ước mình đã quý trọng tiền hơn khi đang có nó. Tuy nhiên, dù sao thì tiền cũng chỉ là vật ngoại thân. Khi qua đời, tiền cũng chẳng thể theo được bạn ngoại trừ tiền vàng mã. Hãy hưởng thụ tiền bạc nhưng giữ thái độ thản nhiên đối với nó. Đừng trở thành nô lệ của nó.
“Dối trá mà không lừa lọc” là chiến lược tiếp theo trong cuốn sách Mặt dày Tâm đen. Không phải lúc nào nói dối cũng là xấu xa. Bạn là bác sĩ đa khoa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Bạn đang chữa trị cho một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tuy nhiên bạn “nói dối” về tình trạng sức khoẻ với bệnh nhân này bằng cách “nói giảm nói tránh”, giúp bệnh nhân không bị shock tâm lý, từ đó yên tâm chữa bệnh. Trong tình huống này, bạn không có lỗi và cũng không hề xấu xa. Tội lỗi không nằm trong bản thân sự dối trá mà ở người sử dụng và cách sử dụng.
Đôi khi bạn cần phải đóng vai kẻ khờ. Đó chính là nguyên lý “Thắng lợi nhờ sự khuất phục”. Nếu bạn giỏi thì nên giả vờ tỏ ra yếu kém, vì dù cho bạn có giỏi đến mấy đi chăng nữa, chắc chắn vẫn sẽ có người giỏi hơn bạn. Bạn cần rèn luyện sự nhạy cảm để nhận ra khi nào nên đấu tranh và khi nào nên khuất phục.
Một chiến lược đắt giá không kém dành cho những người thực hành “Mặt dày, Tâm đen” chính là “Kiên định giữa sự xảo trá và tàn nhẫn”. Bạn có thể nhún nhường, khuất phục nhưng không có nghĩa là từ bỏ. Trong thâm tâm, bạn phải kiên định và không được rời mắt khỏi mục đích của mình. Chỉ vì một vài lời nói gió bay theo kiểu: “Học bác sĩ sau này khó xin việc lắm!” và bạn quyết định từ bỏ giấc mơ đỗ Đại học Y Hà Nội của mình thì chắc chắn bạn sẽ không thể trở thành một bác sĩ đa khoa trong tương lai được.
Để mài sắc “Mặt dày, Tâm đen”, đặc biệt là “Tâm đen”, bạn cần một “con dao” có tên là “Bản năng sát thủ”. Bản chất của bản năng này chính là sự dũng cảm để kết thúc công việc nhanh và gọn.
Bản năng sát thủ là một khía cạnh khác của Mặt Dày, Tâm Đen. Nó bảo vệ tính mạng của con người trước những yếu tố thù địch của tự nhiên cũng như trước những kẻ khác ngay từ thời tiền sử.
Kết
“Mặt dày, Tâm đen” không phải là việc thành thạo một kỹ năng cụ thể, cũng không phải là một cái gì đó mà tác giả Chin-ning Chu có thể trao cho bạn. Nó là sức mạnh nội tâm và trạng thái tự nhiên của con người thật của bạn, nơi mà niềm vui tuyệt đối, lòng dũng cảm và lòng trắc ẩn là một phần không thể tách rời khỏi bản thân bạn. Bản thân “Mặt dày, Tâm đen” cũng không phải là một học thuyết. Nó chỉ đơn giản nói về hành động và hiệu quả của hành động. Nó có thể được vận dụng vào bất kỳ việc gì và có thể được sử dụng cho cả mục đích tốt lẫn xấu. Để khai thác mặt tốt của “Mặt dày, Tâm đen”, hãy bám chặt vào Dharma của bạn.
Với hơn 100 chiến lược dẫn dắt bạn tới sự thành công trong đời sống cá nhân và công việc, Mặt dày Tâm đen của tác giả Chin-ning Chu xứng đáng là một cuốn sách để độc giả nghiền ngẫm và suy nghĩ, từ đó tìm cách áp dụng vào thực tiễn. Và nếu như bạn đã từng cất công tìm kiếm những hạt giống với ước muốn gieo mầm đam mê, tình thương và thành công, vào bất cứ thời điểm nào và ở lứa tuổi nào thì chắc chắn bạn sẽ muốn tìm đọc cuốn sách này.
Tác giả: DO
Hình ảnh: DO
Bình luận
Tyson 22/09/2022
онлайн.. Открыто смотреть онлайн в хорошем качестве бесплатно фильмы.
Онлайн-кинотеатр якутских фильмов.
lqxfdylbzwxv 20/06/2022
Lara 07/10/2021