Thế giới ngày càng phát triển, con người ngày càng có nhu cầu kết nối ý tưởng của mình với những người cùng chí hướng trên mọi lĩnh vực. Tribes (Những bộ lạc) của Seth Godin vốn là một cuốn sách dành cho chuyên ngành marketing. Tuy nhiên, cuốn sách này bao hàm nhiều bài học quý giá về hoạt động tập thể và vai trò của một nhà lãnh đạo. Cuốn sách này khá khác biệt với những cuốn sách kỹ năng khác, bởi nó không chia theo chương mà chia thành các đề mục nhỏ. Nói cách khác, cuốn sách này đòi hỏi người đọc phải đọc hết để hiểu ra giá trị ẩn sau những con chữ của nó.
1. Đôi nét về tác giả Seth Godin:
Seth Godin được biết đến với tư cách là một tác giả, doanh nhân, nhà tiếp thị và nhà diễn thuyết nổi tiếng ở xứ sở cờ hoa. Ông sinh năm 1960 tại Tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tufts vào năm 1982 ngành Khoa học máy tính triết học, ông nhận bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh về marketing tại Trường Kinh doanh Stanford. Ông đã sáng lập nên nhiều thương hiệu kinh doanh nổi tiếng như công ty marketing trực tuyến đầu tiên Yoyodyne (1995) và trang web Squidoo (2005). Godin còn từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như giám đốc nhãn hiệu tại công ty phần mềm Spinnaker (1983 - 1986) và Phó chủ tịch bộ phận tiếp thị đồng tình của Yahoo! (1998). Ngoài lĩnh vực kinh doanh và quản lý, ông cũng được biết đến bởi những cuốn sách có giá trị trong lĩnh vực marketing, điển hình là hai cuốn Con bò tía và Những bộ lạc.
2. “Bộ lạc” - Nơi những “người khác biệt” tìm được tiếng nói chung:
Từ “tribe” (bộ lạc) có thể được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là về mặt nhân chủng học. “Bộ lạc” - hay tộc người - chỉ một nhóm người có cùng gốc gác, ví dụ như bộ lạc Rục, Thủy, Khơ Mú ở Việt Nam hay các bộ lạc bản địa ở châu Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên trong Những bộ lạc của Seth Godin, “bộ lạc” là một khái niệm xã hội học, chỉ những nhóm người có cùng mối quan tâm như về tôn giáo, kinh doanh, âm nhạc,...
Như tác giả đã chia sẻ, mỗi con người sinh ra đều khao khát được thuộc về một nơi nào đó. Điều này vốn là bản năng sinh tồn của muôn loài, để có thể cùng cống hiến và hưởng lợi ích với những cá nhân có cùng chí hướng và lý tưởng với mình. Chỉ cần một cái bắt tay, một nụ cười hay một ánh mắt cũng có thể đoán được ai là đồng minh đáng tin cậy.
Một cá nhân có thể có một hoặc nhiều đam mê. Nhờ có đam mê, con người có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới. Nhờ có các bộ lạc, mọi người có thể tự do đóng góp ý kiến nhằm xây dựng một dự án chung, hoặc cùng khởi xướng một phong trào mới. Tuy nhiên, với những ý tưởng không có tiền lệ, khởi đầu sẽ vô cùng khó khăn. Seth Godin gọi những người có ý tưởng hoàn toàn mới là “những kẻ khác người”.
“Những kẻ khác người” khi lần đầu nêu ra ý kiến của họ sẽ nhận được những ánh mắt hoài nghi, hoặc những cái lắc đầu ái ngại của đồng nghiệp hoặc bạn bè họ - bởi lẽ họ đang làm những điều khác với những nguyên tắc tập thể đã cất công xây dựng. Vì vậy, họ sẽ cần được kết nối với những người có cùng tần sóng não. Việc đó không có gì khó khăn bởi đây là thời kỳ bùng nổ của công nghệ. Với Internet, khoảng cách địa lý hay chênh lệch múi giờ không còn là vấn đề nan giải với con người. “Những kẻ khác người” có quyền được lắng nghe bởi những người có cùng chí hướng với họ. Không ai có thể ngăn cấm họ bơi ra khỏi “cái ao làng” của mình để vươn đến đại dương bao la. Nếu có đồng minh ngay bên cạnh thì thật tuyệt vời, nhưng không có thì cũng không phải là vô vọng. Như Seth Godin đã chỉ ra:
Các công cụ mới đang bùng nổ để hỗ trợ việc dẫn dắt các bộ lạc của chúng ta: Facebook, Ning, Meetup và Twitter. Squidoo, Basecamp, Craiglist và Email. Có hàng ngàn cách thức phối hợp và kết nối những nhóm người mà mới chỉ cách đây một thế hệ tưởng chừng không tồn tại.
3. Cách bộ lạc vận hành:
Ở trong cùng một bộ lạc, mọi người có thể tự do trao đổi ý kiến nhằm xây dựng và mở rộng bộ lạc của mình. Theo Seth Godin, trong bộ lạc của “những kẻ khác người”, bộ lạc được nuôi dưỡng và duy trì bằng những ý tưởng độc nhất vô nhị, và những khái niệm cũ kỹ sẽ bị gạt bỏ.
Những người thích nghi nhanh là những người thường mua và nói về sản phẩm mới nhất. Vì vậy, những cách thức làm việc mới, nhiệm vụ mới, cơ hội mới và gương mặt mới càng trở nên quan trọng.
Trong Những bộ lạc, Godin đã chỉ ra rằng sự ổn định vốn dĩ chỉ là một loại ảo giác. Nếu con người cứ bám lấy cái ảo giác đó thì sẽ chẳng có gì được phát minh hay đổi mới. Có thể lấy ví dụ từ thư điện tử và mạng xã hội trong những năm gần đây. Cho đến năm 2020, Yahoo! gần như đã tuyệt chủng bởi số người sử dụng nó chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, MySpace đã từng làm mưa làm gió, cho đến khi Facebook dẫn đầu các mạng xã hội khác vào năm 2010. Tác giả còn khẳng định vai trò của marketing trong việc thay đổi bộ mặt của thị trường. Thị trường cần những mặt hàng mới, những xu hướng mới - chứ không phải là những sản phẩm trung bình dành cho những người có thị hiếu trung bình. Nếu không có marketing giới thiệu và lăng xê những xu hướng mới và phù hợp với thời đại, thị trường sẽ sớm mất đi sức hút vốn có của nó.
Để một sản phẩm mới trở thành xu hướng, bộ lạc cần có sự ủng hộ từ nhà tài trợ và người hâm mộ. Làm sao để tìm được những người sẵn lòng ủng hộ mới là vấn đề nan giải. Người ủng hộ ý tưởng mà bạn đề xuất không chỉ giới hạn những người trong cùng tổ chức mà còn có thể mở rộng ra bên ngoài. Ngày nay với Internet, các bộ lạc chỉ cần những thao tác hết sức đơn giản (đăng tải một Fanpage trên Facebook hay đăng một video lên YouTube) là có thể tìm được thành viên mới cho bộ lạc của họ. Càng nhiều người tương tác thì ý tưởng càng được phổ biến. Nhưng đôi lúc điều này cũng rất bất cập vì nhiều bộ lạc chỉ quan tâm đến số lượng lượt truy cập thay vì chất lượng thực sự của người tương tác. Với trường hợp này, Godin đã nhắc nhở người đọc:
Thay vì vồn vã săn tìm thêm người mới mọi lúc, các nhà lãnh đạo đã nhận ra chiến thắng đúng nghĩa nằm ở việc biến người hâm mộ bình thường thành người hâm mộ trung thành.
4. Người lãnh đạo của bộ lạc:
Người lãnh đạo của bộ lạc - còn được trìu mến gọi là “tù trưởng” - có ba vai trò lớn.
Thứ nhất, họ dẫn dắt thay vì quản lý bộ lạc của mình. Trong Những bộ lạc, Seth Godin đã than phiền về sự nhầm lẫn tai hại giữa “quản lý” và “lãnh đạo”. “Quản lý” có nghĩa là tận dụng các nguồn lực sẵn có để hoàn thành công việc một cách trơn tru và gây ít rủi ro nhất có thể. Nói cách khác, người quản lý áp dụng những nguyên tắc sẵn có để điều hành và duy trì một quy trình họ đã được biết từ trước. Tuy nhiên, đó không phải là những việc mà một nhà lãnh đạo sẽ làm với tổ chức của họ. Người lãnh đạo phải luôn là người tiên phong và đề xuất những ý tưởng mới, đồng thời luôn lôi kéo các thành viên trong bộ lạc vào những kế hoạch táo bạo của họ. Khác với các nhà quản lý, nhà lãnh đạo ưa thích mạo hiểm và dám chấp nhận rủi ro - bởi chưa bao giờ có bất kỳ khuôn mẫu hay tiền lệ nào những ý tưởng họ nung nấu. Nhờ có các nhà lãnh đạo, thế giới vận động và thay đổi không ngừng. Như Godin đã nhận xét trong cuốn sách của ông:
Nhà lãnh đạo có người hưởng ứng. Nhà quản lý có nhân viên.
Nhà quản lý tạo ra công cụ. Nhà lãnh đạo tạo ra thay đổi.
Thứ hai, vai trò của nhà lãnh đạo không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ra những ý tưởng mới. Họ còn phải là người gắn kết các thành viên trong bộ lạc thành một thể thống nhất. Trong Những bộ lạc, Godin đã kể câu chuyện về huấn luyện viên của Đội Đá (một đội bóng trẻ em ở Hoa Kỳ) - cô Meghan McDonald. Có hai phương pháp của cô được tác giả nhấn mạnh trong cuốn sách. Phương pháp thứ nhất là trò chuyện với đội bóng của cô. Trong một khóa học vài giờ đồng hồ, cô nói chuyện với từng học sinh - hoặc những người cần cô giúp đỡ - một cách nhỏ nhẹ, ân cần. Thi thoảng cô có nói chuyện với cả đội, nhưng chưa bao giờ cô nói lớn tiếng mà vẫn nói rất nhẹ nhàng. Phương pháp thứ hai của cô Meghan xuất hiện sau vài buổi học, các thành viên trong đội bắt đầu tự huấn luyện cho nhau: các em tự chỉnh sửa những lỗi sai của nhau và giúp bạn bè mình cải thiện kỹ thuật chơi bóng. Kể cả khi cô giáo đã ra về, buổi tập luyện vẫn tiếp tục. Nhờ có hai phương pháp này của cô, các thành viên trong đội trở nên gắn bó với nhau hơn - không ai phải khóc, không ai bị khinh thường, không ai bị bắt nạt. Mọi người đều bình đẳng trong tập thể và tự do trao đổi ý kiến với nhau. Godin đã nhận xét về nữ huấn luyện viên này:
Meghan không chỉ là một huấn luyện viên. Cô hiểu rõ thuật lãnh đạo chân chính và nhận ra ý nghĩa của việc xây dựng bộ lạc.
Cuối cùng, vai trò cốt yếu của một tù trưởng là thuyết phục - đúng hơn là lôi kéo - bộ lạc của mình bằng cách truyền cảm hứng cho họ. Tù trưởng luôn có những ý tưởng khác biệt so với số đông và sẵn sàng bảo vệ lý tưởng của họ. Tuy nhiên, như Godin nhận xét, số người như vậy không nhiều. Nguyên nhân khiến số lượng người lãnh đạo hạn chế chủ yếu đến từ cách giáo dục hiện nay. Học sinh được đào tạo để làm bài kiểm tra và tuân thủ các nguyên tắc - nói cách khác là trở thành những con cừu dễ bảo. Đa phần học sinh chỉ được đào tạo để trở thành những nhân công lành nghề hoặc những quản lý gương mẫu. Chỉ có một số ít những học sinh trong số đó có suy nghĩ khác với đa số và dám đứng lên để tạo ra sự khác biệt. Họ là những nhà lãnh đạo mà mọi bộ lạc cần có, bởi họ khát khao thay đổi thế giới và không dễ bị lung lay bởi số đông. Phần lớn khởi đầu của những ý tưởng mới khiến mọi người kinh ngạc và sợ hãi bởi nó phá vỡ mọi nguyên tắc được đề ra từ trước. Nhưng rồi mọi người cũng sẽ nhận ra những học sinh “cá biệt” ấy chính là động lực để thế giới thay đổi. Không có ý tưởng hay nhân tài nào bị bỏ quên - cả hai đều chỉ cần thời gian để được chấp nhận và cơ hội để có thể áp dụng vào thực tiễn thôi.
5. Lời kết:
Những bộ lạc của Seth Godin xứng đáng là một cuốn cẩm nang hữu ích, không chỉ cho những người lãnh đạo mà còn cho những người muốn có cơ hội thay đổi thế giới bằng những ý tưởng táo bạo nhất. Qua những dòng văn của Godin, ta thấy được những khía cạnh khác nhau của việc hoạt động và lãnh đạo tập thể.
Review chi tiết bởi: Thanh An Nguyễn - Bookademy
Hình ảnh: Thủy Tiên
Bình luận