[Review Sách] “Khống Chế Nỗi Sợ”: Biến Nỗi Sợ Trở Thành Bạn Đồng Hành

Trong chúng ta luôn tồn tại rất nhiều nỗi sợ: sợ thất bại, sợ đứng trước đám đông, sợ mất danh dự… Chúng ta có xu hướng giấu đi nỗi lo sợ của mình cũng chỉ vì sợ bị mọi người cho rằng ta yếu đuối. Nhưng, liệu rằng việc chúng ta lựa chọn giấu đi nỗi sợ của chính mình là việc làm đúng đắn? Dale Carnegie từng nói: “Hãy làm điều bạn sợ phải làm và làm đi làm lại … đó là con đường chiến thắng nỗi sợ nhanh chóng và chắc chắn nhất từng được phát hiện ra.” Đúng vậy, cách để bạn chiến thắng nỗi sợ tồn tại trong bản thân mình chính là đối diện và biến nó trở thành bạn đồng hành. Vì suy cho cùng, ai cũng có những điểm yếu của riêng mình, ngay cả khi người đó được đánh giá là hoàn hảo nhất. 

Cuốn sách Khống chế nỗi sợ của Misthy Lọ mọ như một cuốn cẩm nang, sẽ giúp bạn hiểu rõ được nỗi lo sợ của mình từ đó đưa ra một vài phương pháp giúp bạn vượt qua nó. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem nỗi sợ là gì và nỗi sợ được chia ra mấy loại.

Chúng ta có thể phân loại nỗi sợ theo hai loại: nỗi sợ bản năng và nỗi sợ tâm lý. 

Ví dụ như khi ta nghe đến những tin tức tiêu cực trên bản tin hàng ngày và lo sợ, đó thuộc về nỗi sợ bản năng. Những nỗi sợ khác như: sợ thất bại, sợ đứng trước đám đông, sợ mất danh dự…v.v.. thuộc về nỗi sợ tâm lý. Tuy nhiên, trong chúng ta đôi khi có những nỗi sợ hình thành trong quá trình chúng ta lớn lên, những nỗi sợ là bệnh lý, cũng có những nỗi sợ vô căn cứ. 

Nhiều người khi đối diện với nỗi sợ của mình thì chọn cách trốn tránh. Nhưng, chọn trốn tránh chỉ khiến ta quên đi nỗi lo sợ một cách tạm thời, thực tế thì nó vẫn luôn ở đó và sẽ xuất hiện khi bạn gặp chuyện tương tự. 

Kiểm soát nỗi sợ hãi khi bị bóng đè

Những người sợ bóng tối thường mắc phải những triệu chứng tâm lý như trầm cảm, gây giảm sút chất lượng cuộc sống 

“Bóng đè” là trạng thái khi bạn nửa tỉnh nửa ngủ, xuất hiện đủ loại ảo giác khác nhau, thậm chí có thể nghe thấy âm thanh xung quanh, nhưng cho dù có dùng sức như thế nào đều không được, muốn mở mắt ra hoặc lật mình trở dậy nhưng lại không thể động đậy được. Sau một lúc cố gắng dùng sức giãy giụa, cuối cùng mới tỉnh lại được.

Để vượt qua được nỗi sợ hãi khi bị bóng đè, chúng ta cần hiểu được nguyên nhân bóng đè xảy ra. Bóng đè thường xuất hiện ở những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, hay ám ảnh bởi những điều vu vơ thiếu khoa học, những người hay nghĩ về những vấn đề bế tắc trong ngày hoặc có thể người khỏe nhưng có điểm yếu trong tinh thần. 

Vậy làm thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi khi bạn bị bóng đè? Trong trường hợp này điều nên làm nhất chính là bạn không cố làm gì cả. Bởi vì khi bạn phản kháng, tình trạng có thể trở nên nguy kịch hơn rất nhiều. Tiếp đến, hãy thả lỏng chính mình rồi nói với bản thân rằng mình đang bị bóng đè, như vậy bạn sẽ tỉnh dậy nhanh hơn. Hoặc nếu như có người ngủ chung với bạn, hãy nói với họ về trạng thái bạn gặp và dặn dò họ rằng: hãy gọi tôi dậy nếu thấy tôi trong tình trạng khó thở, nhịp thở không đều. 

Đối phó với nỗi sợ bệnh ung thư

Carcinophobia – nỗi sợ ung thư, là nỗi ám ảnh day dứt về bệnh ung thư. Nỗi sợ này thường thấy ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hoặc thậm chí là bạn bè hay người thân của họ. 

Ung thu là căn bệnh quái ác mà không một ai muốn mình bị căn bệnh này. Tuy nhiên, việc ám ảnh về nó cũng là một điều không nên. Nguyên nhân của nỗi sợ này từ đâu mà ra? Nỗi sợ ung thư xuất phát từ việc chứng kiến bạn bè hoặc người thân qua đời vì mắc bệnh ung thư. Việc chưa tìm ra phương pháp điều trị cũng là một trong những lý do khiến chúng ta không ngừng lo âu về nó. 

Với nỗi sợ ung thư, người bệnh sẽ liên tục đến khám bác sĩ để đảm bảo mình không mắc bệnh. Họ có thể bị ám ảnh bởi cái chết, mất kiểm soát và không phân biệt được đâu là thực và đâu là ảo. Bởi vậy, họ sinh ra lo lắng với những triệu chứng bệnh thông thường như ho, sốt… Họ cũng có thể sẽ rất cẩn trọng với mọi thứ mà họ ăn hay sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Có thể thấy được rằng nỗi sợ ung thư đem đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong cuộc sống người bệnh kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Cách để chúng ta vượt qua nỗi sợ ung thư chính là hãy luôn mang tâm thế lạc quan. 

Nếu nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn không đơn thuần chỉ là sợ máy bay mà bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn theo cách bạn không thể kiểm soát, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế. 

Giải tỏa tâm lý sợ xấu

Mỗi chúng ta ai cũng có những khuyết điểm không hài lòng về ngoại hình nhưng hội chứng sợ “xấu” còn mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể giết chết một con người. Khuyết điểm luôn tồn tại và khiến ta tự ti về nó. Nhưng có sao đâu bởi sự thật không có ai hoàn hảo cả và chúng ta vẫn sống tốt đấy thôi. 

Body dysmorphic disorder – mặc cảm ngoại hình, là một trạng thái bệnh lý, trong đó người bệnh luôn trong trạng thái lo âu, thậm chí sợ hãi với bất kì khiếm khuyết nhỏ như sẹo hay dị tật nhỏ trên cơ thể mình.

Với những người mắc chứng này, biểu hiện thường gặp là không dám nhìn vào gương. Những trường hợp nhẹ, họ chỉ cố né tránh hoàn toàn những bề mặt có phản chiếu như gương. Còn những trường hợp nặng, người bệnh thường tự cào cấu bản thân mình, để cải thiện cảm giác “xấu”. Nguy hiểm hơn chính là dẫn đến bệnh trầm cảm thậm chí là tự tử. 

Hãy nghiêm túc đánh giá xem bản thân mình có những triệu chứng kể trên hay không. Tùy từng mức độ nghiêm trọng, không cách nào khác bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ và chia sẻ nỗi sợ đấy với những người bạn tin tưởng. 

Hội chứng sợ xấu hoàn toàn có thể hủy hoại cuộc sống của một người, nhưng tiếc thay công chúng chưa có nhận thức đúng đắn về căn bệnh này.

Giải tỏa tâm lý sợ thời gian 

Hội chứng sợ thời gian, nghe có vẻ vô lý nhưng nỗi sợ này có tồn tại. Chronophobia là thuật ngữ dùng để chỉ những người hay có những nỗi lo lắng thái quá về việc không thể kiểm soát được thời gian.

Người mắc triệu chứng này có thể thấy rõ ràng nhất ở người già có bệnh tật hoặc những người đã từng gặp chấn thương tâm lý về thời gian như từng bị bắt cóc hay giam giữ không biết ngày tháng. Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải đó là hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi không lối thoát, run rẩy, khó thở hoặc đổ nhiều mồ hôi, rối loạn nhịp tim … Họ nhìn thấy cuộc sống trôi qua, các sự kiện đang diễn ra trước mắt họ nhưng họ không biết làm thế nào để kiếm soát chúng và hành vi của bản thân họ. Triệu chứng này lâu dần sẽ có thể khiến người bệnh mắc chứng trầm cảm. 

Để giải tỏa tâm lý sợ thời gian, Misthy khuyến khích nên thực hiện những động tác yoga, thiền để thả lỏng cơ thể lẫn tâm trí. 

Vượt qua nỗi sợ mắc sai lầm, thất bại

Đôi khi, sai lầm và thất bại giúp ta giải thoát khỏi những ảo vọng, quay trở về với thực tại. 

Thật khó để tự thừa nhận lỗi lầm của chính mình không hề dễ chịu chút nào. Hầu hết chúng ta đều cố gắng tránh mắc sai lầm bằng mọi giá nhưng thực tế chúng ta vẫn mắc sai lầm và mỗi lần lại mắc sai lần khác nhau. 

Sai lầm một lần có thể chẳng đáng nói, nhưng sai lầm liên tục lại dễ khiến ta sợ hãi đến mức ám ảnh. Có lẽ trong một đoạn thời gian nào đó trong cuộc sống, bạn cảm thấy mất niềm tin vào bản thân, hay so sánh mình với người khác. Đôi khi bạn cũng có những cảm xúc tiêu cực như luôn nghĩ đến hậu quả xấu nhất: bị đuổi việc, bị giáng chức hay sợ mất hình ảnh đã cất công tạo dựng bấy lâu. 

Không ai muốn phạm sai lầm vì hậu quả do sai lầm đem lại có thể rất khủng khiếp hoặc ít nhất là gây phiền phức. Nhưng việc tự gây áp lực bằng nỗi sợ này thực sự không phải là điều cần thiết. 

Để vượt qua được nỗi sợ này, trước tiên, hãy nhìn nhận đúng đắn về sai lầm. Khi thất bại, điều chúng ta nhận được chính là bài học và kinh nghiệm, những điều đáng giá thực sự. Vì thế, điều quan trọng nhất cần làm là hãy xác định rằng dù sai lầm có lớn đến thế nào thì bạn vẫn không khiến chúng ta trắng tay. Sau cùng, điều đó giúp chúng ta trưởng thành hơn.

Lời kết

Sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức mối đe dọa. Chúng ta bắt buộc phải sợ, vì chỉ có sợ hãi mới giúp chúng ta biết cách vượt qua và mạnh mẽ hơn. Không phải sợ hãi nào cũng được loại bỏ một cách triệt để. Thay vì né tránh, ta phải nhìn sâu vào nỗi sợ của chính mình và học cách xử trí nó hoặc chấp nhận sự tồn tại chúng như là một phần tất yếu của cuộc sống.  

Review chi tiết bởi: Alice - Bookademy

Bình luận

Bình luận

Scroll

Sản phẩm này đã hết hàng!

x

Thêm vào giỏ hàng thành công

x

Chức này cần phải cài thêm App Wishlist

x