Nhắc đến văn chương nguyễn Tuân chỉ có thế dùng một từ – Độc đáo. Đến tận hôm nay, những người yêu văn học không thể quên cá tính viết rất riêng và lối dùng chữ tài tình khó ai theo kịp của ông.
Vang Bóng một thời tuyển tập 12 tác phẩm truyện ngắn và tùy bút mang đậm cái chất Nguyễn Tuân duy mỹ, được in thành sách lần đầu năm 1940. Từ đó đến nay, sách được tái bản không biết bao nhiêu lần và được Nhã Nam đưa vào bộ sách Việt Nam danh tác cùng với Miếng ngon Hà Nội, Việc làng, Gió đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường…
Ảnh: nhihasreadthis
“Nguyễn Tuân xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng ngay từ đầu bởi sự độc điệu. Độc điệu ở thể văn – tùy bút. Độc điệu ở giọng văn – phóng túng. Độc điệu ở chất văn – ngông ngang. Độc điệu ở tình văn – hoài niệm. Độc điệu ở ý văn – duy mỹ” – Trích lời mở đầu “Vang Bóng một thời”.
Tiếng thở dài trước sự mờ dần của những nét đẹp cũ
Đi suốt 12 thiên truyện ngắn và tùy bút, người đọc lạc giữa những câu chuyện vừa thực vừa hư. Đó cái ám ảnh, day dứt trong tiếng hát văng vẳng trên đê “sống không ghét nhau/chết không oán nhau” của lão đao phủ già có ngón nghề “chém cheo ngành” kỳ lạ. Đó là cái ngây ngất trước tiếng đàn giai nhân buổi trăng sáng lay động mặt nước sông Hương rồi lại buồn tái tê chứng kiến của cái cao ngạo phong nhã của chữ nghĩa chìm nổi trong cuộc đỏ đen bởi gánh nặng mưu sinh trong “thả thơ”, “đánh thơ”. Là cái say mê trước sự tỷ mẩn chăm chút cầu kỳ của người phải lòng trà, trót yêu hoa thì càng sầu thảm phôi pha khi những chiếc ấm trà quý bị bán đi vì miếng cơm manh áo. Là cái ma quái liêu trai của vong hồn ma nữ tìm về báo oán hai anh tú tài lều chõng đi dự kỳ thi hương cuối cùng thời mạt nho, công danh chẳng đặng thì cái mối duyên với cô hàng giấy mực cũng chẳng dám bàn. Hay ngẩn ngơ trước trốn bồng lai tiên cảnh trên đỉnh Non Tản mà những kẻ phàm phu tục tử có cơ may được đặt chân lên rồi chẳng muốn quay về.
Bằng những từ ngữ chau truốt, chọn lựa kỹ càng, cụ Nguyễn Tuân làm hiện về trong tâm trí người đọc những cái thú ấy thật hoàn mỹ, với toàn bộ sự trân quý, nâng niu. Nhưng càng đẹp bao nhiêu, người ta càng tiếc nuối bấy nhiêu khi chúng cũng đang dần mất đi cùng người.
“Cụ Äm cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta được gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phút mong chờ… Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Äm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.” – Chén trà trong sương sớm.
Ngẫm về biết đủ, cái thiên lương, cái thiện, cái mỹ
Ngày nay, khi buổi loạn lạc đã qua, con người bình thản trở lại với thú chơi hoa thưởng trà, nhưng mấy ai xét đến cái “tư cách” đủ mới dám chơi hoa như cụ Kép xưa trong “Hương Cuội”. Vẫn đang buổi giao thời Tây Ta va đập, mới cũ nhập nhằng, con người ngày càng sống nhanh , sống vội, sống cạn , một tác phẩm như Vang bóng một thời có lẽ khiến người đọc biết chậm lại, sâu hơn, nghĩ sâu hơn về cái chân, thiện , mĩ mà quay về chăm sóc những giá trị tinh thần đích thực của đời người.
Người đọc sẽ không thể nào quên được hình ảnh ông Huấn Cao cho chữ trong một không khí khói tỏa như đám cháy trong nhà lao và lời nhắc người xin chữ: “thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững, và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Người đọc cũng không thể quên cái khung cảnh mờ sáng gió bấc còn thổi, và trong làn khói đun nước phủ mờ cả ngôi nhà ba gian, một cụ già áo the khoan thai “nhấc cả chén dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng khong một chút gợn”. Và hình ảnh anh con trai cả lễ phép ngồi hầu trà người cha già trong cái hương buổi sớm gió bấc ấy.
Và biết bao giờ khung cảnh sum họp cả nhà quay quần ngày 30, gói giò, thái trứng, lau dọn bàn thờ, nấu bánh chưng và nấu kẹo mạch nha chơi xuân mới lại ấm cúng đến thế. Biết bao giờ trẻ con mới lại háo hức quanh người lớn dán đèn kéo quân, tỉa vỏ bưởi làm đèn hay hì hụi chuẩn bị mâm cỗ trông trăng rằm tháng Tám. Việt Nam hôm nay vẫn đang xoay mình trong buổi giao thoa Đông Tây ấy, cái thời nhộn nhịp bận tối mắt bù đầu, con người không còn thời gian mà ngồi xuống uống chén trà, mà biết quý cái sản vật trời đất.
Ảnh: tiemchala
Cái đẹp của Vang bóng một thời nhắc nhở con người về những cái nết cũ đẹp đẽ của một dân tộc Á Đông biết quý đức, trọng tình, mến tài, đề cao chữ “nghĩa” và tôn trọng một mực cái tôn ti, nền nếp, cái nghĩa cha con, anh em, bạn bè, thầy trò.
Thứ văn chương “vang bóng một thời”
Tác giả của Hòn Đất, nhà văn Anh Đức đã từng nhận xét về văn phong Nguyễn Tuân: “Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng; một nhà văn độc đáo, vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”.
Thực thế, đọc đi đọc lại từng mẩu truyện hay tùy bút trong Vang bóng một thời, người đọc vẫn thấy không một từ dùng thừa, không một từ dùng sai. Người ta thầm thán phục thứ ngôn từ đẹp đẽ mà tinh tế, sâu sắc của cụ Nguyễn. Thứ văn chương mà đậm chất Á Đông ấy, với nhịp văn chậm rãi, mà sắc sảo, khó ai có thể tin tác phẩm đậm chất hoài cổ này được tác giả viết năm mới 29 – 30. Chỉ miêu tả đám than cháy trong cái hỏa lò đun nước, sao mà cũng đặc sắc!
“Những hòn than tàu cháy đều, màu đỏ ửng, cónhững tia lửa xanh lè vờn ở chung quanh. Không khí mỗi lúc dao động càng nâng cao thêm những ngọn lửa xang nhấp nho. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chẩy… Thỉnh thoảng, từ hòn than tự tiêu diệt buột ra một tiếng khô, rất khẽ và rất gọn. Thế rồi hòn than sống hết một đời khoáng chất. Bây giờ hòn than chỉ còn là một điểm lửa ấm ấp trong một cái vỏ tro tàn dầy và trắng xốp. Cụ Äm vuốt lại hai mái tóc trắng, cầm thanh đóm dài đảo lộn tàn than trong hỏa lò, thăm hỏi cái hấp hối của lũ vô tri vô giác.”
Đọc văn chương cụ Nguyễn, nhiều khi sởn cả da gà, vì ngôn ngữ, quá sắc sảo thường chỉ có được ở một con mắt quan sát tinh đời, một cái đầu từng đi và từng trải nhiều lắm. Bởi thế, văn chương có lẽ cũng chính là một cái đẹp thanh tao “Vang bóng một thời” mà ngày nay khó tìm được người “phù thủy ngôn từ” thứ hai như thế.
Bình luận