REVIEW "ĐỪNG BAO GIỜ ĐI ĂN MỘT MÌNH"

Khái quát :

  1. Tác giả :

Keith Ferrazzi là một tác giả và doanh nhân người Mỹ. [1] Ông là người sáng lập và CEO của Ferrazzi Greenlight, một công ty tư vấn và nghiên cứu có trụ sở tại Los Angeles, California. [2] Ông đã viết những cuốn sách bán chạy nhất của Thời báo New York “Đừng bao giờ đi ăn một mình” và “Ai che lưng cho bạn”?

  1. Tác phẩm :

“Đừng bao giờ đi ăn một mình” là một cuốn sách đứng giữa ranh giới của loại sách self-help và một cuốn sách về kinh tế mà rất cần cho những nhà doanh nghiệp trẻ. Cuốn sách ủng hộ cách tiếp cận của con người trong việc xây dựng một mạng lưới cá nhân hiệu quả. Các mối quan hệ ngày nay không phải là một công trình hơn kém, so đo lợi hại mà nó là một mạng lưới của những con người tuyệt vời giúp đỡ và phụ thuộc vào nhau.

 

Nội dung :

Cuốn sách được hiện lên qua lời kể của Keith Ferrazzi với những mẩu truyện mà ông đúc kết lại không chỉ qua sự nghiệp và cuộc đời của mình mà còn đến từ rất nhiều mối quan hệ khác mà ông tạo dựng được. Qua những câu chuyện của mình, Keith đề cao sự quan trọng của những mối quan hệ bất kể tầng lớp, giới tính, với ông các doanh nghiệp nói riêng và con người nói chung đang sống và hoạt động khá độc lập và cá nhân. Ông luôn đưa ra những ví dụ, lời khuyên đề cao tính hợp tác, phối hợp để đôi bên cùng có lợi trong mạng lưới quan hệ của mình. Tuy còn nhiều điểm chưa được khai thác sâu nhưng nhìn chung cuốn sách sẽ có thể đem lại cho người đọc nhiều kĩ năng cũng như cái nhìn mới về việc xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội cho bản thân mình.

Lối tư duy :

Ở phần đầu tiên của cuốn sách, Keith đưa ra một cái nhìn bao quát về phương pháp ‘hào phóng” mà ông đã phát minh ra. “Mệnh giá thực của mạng lưới quan hệ không phải là sự tham lam mà là sự hào phóng”. Đây chỉ là một mô hình rất đơn giản - khi tạo ra một mạng lưới kết nối, người ta nên giới thiệu các kết nối mới với các kết nối hiện có. Từ đó, một người nên hào phóng không giữ tất cả các kết nối cho bản thân nhưng giới thiệu mọi người với nhau và tiếp tục quá trình mạng. Như lời Keith nói: “Bạn càng giúp đỡ nhiều người, bạn càng có nhiều sự giúp đỡ để giúp đỡ thêm nhiều người khác”. Ông tin rằng những lợi thế trong cuộc sống bây giờ đều nhờ vào khả năng tạo dựng các mối quan hệ.

Kĩ năng :

Đầu tiên, trước khi đi phỏng vấn hoặc hội nghị, người ta nên làm “bài tập về nhà” của họ. “Bài tập về nhà” ở đây tức là nghiên cứu, tìm hiểu về tất cả những người tham gia hội nghị trước để biết chính xác họ là ai, họ cần gì, tiếp cận như nào và làm thê nào để lôi kéo họ vào mạng lưới quan hệ của mình. Như ông đã mô tả: “Sự chuẩn bị nếu không phải là chìa khóa để trở thành thiên tài thì ít ra nó cũng làm cho bạn trông giống như một thiên tài”. Keith đưa ra những ví dụ thực tế từ cuộc đời và sự nghiệp của mình về cách “hâm nóng một cuộc gọi lạnh” và làm thể nào để thu hút sự chú ý của người mình cần tạo dựng mối quan hệ. Ông tin rằng những cuộc hội nghị là cơ hội tuyệt với để nhiều con người với nhiều hoàn cảnh khác nhau được gặp mặt và tạo dựng mối quan hệ cho mình.

 

Keo dính cho mối quan hệ :


Ở phần này, tác giả bắt đầu nói đến tầm quan trọng của sức khỏe, sự giàu có và gia đình đối với các mối quan hệ bền vững. Có lẽ nhiều người còn chưa hình dung ra được nhưng thực chất đây là một khái niệm vô cùng đơn giản. Một người sẽ thực sự để tâm và muốn tạo dựng một mối quan hệ với bạn nếu bạn giúp họ vượt qua vấn đề về sức khỏe, có ảnh hưởng tích cực đến sự giàu có của họ hoặc giúp đỡ gia đình, con cái họ. Ngoài ra, Ông còn nhấn mạnh rằng việc giữ liên lạc là một khía cạnh quan trọng giúp nuôi dưỡng các mối quan hệ. Theo Keith, 5 phút gọi điện hỏi thăm nhau với những người trong mạng lưới quan hệ còn có giá trị hơn nhiều những cái bắt tay hay những bữa ăn tối.

Nghệ thuật giao tiếp :

Ở phần này Keith đề cập đến vấn đề được coi là gây khó khăn cho rất nhiều người, đó là cách tiếp cận và giao tiếp. Ông nói rằng đối với nhiều người, nỗi sợ gặp gỡ người khác gắn liền với nỗi sợ trình bày trước đám đông. Theo Keith kể lại, bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn sẵn sàng gặp gỡ những con người mới cả. Không hề có khoảnh khắc nào là hoàn hảo để bắt đầu một câu chuyện với một người mà mình không quen biết. Nỗi sợ hãi của bạn sẽ không bao giờ nguôi ngoai vì ai cũng biết việc bị từ chối chẳng hề thích thú một chút nào. Chính vì vậy hãy cứ tự tin lên, hoặc nếu thấy mình không tự tin thì hay “giả vờ” rằng mình tự tin. Tác giả từ đó đưa ra nhiều lời khuyên và vài cách thức để giúp người đọc cảm thấy tự tin hơn đế giao tiếp như cách nói một câu nói đùa hay tỏ ra quan tâm về sở thích của người đối diện,…

Cho đi và nhận lại :

Trong phần này, độc giả được giới thiệu và làm quen với nhiều lời khuyên thiết thực về cách tạo dựng và phát triển thương hiệu của bản thân. Làm thế nào để trở nên thú vị, để thúc đẩy bản thân một cách chính xác và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, làm sao để không nản lòng và có can đảm nói lên suy nghĩ của bạn. Mọi người sẽ không bao giờ biết bạn có những phẩm chất và kỹ năng gì cho đến khi bạn thể hiện chúng. Sự nhút nhát sẽ cản trở việc bạn tạo dựng mối quan hệ với nhiều người khác. Thành thật là một đức tính không được đánh giá cao nhưng thực chất lại vô cùng quan trọng.

Kết :

“Đừng bao giờ đi ăn một mình” là một cuốn sách tuyệt vời, nhưng cũng giống với hầu hết các cuốn sách self-help khác, có những phân đoạn vẫn còn khá hàn lâm, mang tính lý thuyết và có thể gây nhàm chán với các độc giả trẻ . Cuốn sách là kết tinh của tầm quan trọng và tính thiết thực mà những mối quan hệ có thể đem cho bạn trong cuộc sống cũng như những cách để giúp bạn đạt được nó. Ở đây Keith vừa xâu chuỗi những trải nghiệm trong sự nghiệp và cuộc sống của ông để từ đó đúc kết lại những lời khuyên, những phương pháp giúp người đọc cải thiện và làm mạng lưới quan hệ của họ lớn hơn, bền vững hơn.

Bình luận

Bình luận

Scroll

Sản phẩm này đã hết hàng!

x

Thêm vào giỏ hàng thành công

x

Chức này cần phải cài thêm App Wishlist

x