Tác giả: Charles Duhigg
Tác phẩm: The Power of Habbit
Bản dịch: Sức Mạnh của Thói Quen
Nhà xuất Bản: Lao động – Xã hội
Số trang: 436
Ý tưởng chính
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhiều người không thể cai được thuốc lá dù đã được động viên hết mực từ bạn bè, gia đình và truyền thông? Việc đó dễ dàng mà, phải không? Ồ, nó có thực sự dễ dàng như bạn nghĩ không?
Thói quen là gì? Nó có đơn thuần chỉ là những việc bạn làm hàng ngày không?
We are what we repeatedly do” - Aristotle
“Chúng ta chính là những gì ta làm đi làm lại” - Aristotle
Cuốn sách Sức mạnh của thói quen không chỉ cung cấp cho bạn hàng tá câu trả lời liên quan đến hành vi và thói quen tổ chức của con người mà còn lí giải tại sao nhiều công ty thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đôla mỗi năm trong khi số khác thì liên tục phá sản. Điều gì làm nên sự khác biệt khủng khiếp này?. Hồng tâm duy nhất của cuốn sách chính là “Thói quen”.
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách này liên tục nằm trong danh sách best-seller của thời báo New York Times suốt 40 tuần. Cho đến nay, nó vẫn được đánh giá là cuốn sách hay nhất về thay đổi hành vi và tổ chức con người.
Sức mạnh của thói quen được chia làm 3 phần. Phần một nói về cách thức hình thành thói quen ở mỗi cá nhân. Phần một trả lời cho câu hỏi thói quen được xác lập như thế nào, làm thế nào để hình thành thói quen mới và thay đổi thói quen cũ. Phần hai nghiên cứu những thói quen của các công ty và tổ chức đã thành công. Phần ba phân tích những thói quen của xã hội. Cuốn sách bao gồm 9 chương nhỏ và một phụ lục sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn của bạn về những công việc mình làm hàng ngày. “Sức mạnh của thói quen” dựa trên hàng trăm nghiên cứu học thuật, những bài phỏng vấn trên 300 nhà khoa học và lãnh đạo, nghiên cứu tiến hành tại nhiều công ty lớn. Những đúc kết từ quá trình tìm tòi của Charles Duhigg chính xác là những gì bạn cần cho sự phát triển cá nhân và công việc kinh doanh sau này của bạn.
Mình tin rằng một cuốn sách quan trọng, quyền lực và kinh điển như “Sức mạnh của thói quen” hoàn toàn xứng đáng nằm trong tủ sách yêu thích của bạn.
Về tác giả
Charles Duhigg là nhà báo chuyên viết mục kinh doanh của The New York Times. Ông nhận được nhiều giải thưởng – trong đó có giải Pulitzer – cho các bài báo và cuốn sách của mình. Ông tốt nghiệp Đại học Yale và Trường Kinh doanh Harvard.
Thói quen
Thông qua câu truyện về một bệnh nhân bị viêm não tên là Eugene, người đọc được giới thiệu đến khái niệm cơ bản của “thói quen”. Bệnh nhân Eugene bị viêm não do vi-rút không nhớ tuổi của mình, không nhận ra cháu của mình, và dĩ nhiên không thể vẽ được sơ đồ nhà của mình, nhưng vẫn có thể tìm đến nhà bếp khi muốn ăn. Tất cả là nhờ vào những thói quen hoạt động hàng ngày mà Eugene tuy bị mất ký ức vẫn giữ được khả năng thực hiện những hoạt động cơ bản mà ông từng làm hàng ngày theo thói quen.
=>> Thói quen là một hoạt động hay chuỗi hoạt động được con người thực hiện khá thường xuyên mà không cần tập trung suy nghĩ nhiều. Ví dụ như khi chúng ta lái xe. Những động tác lái xe có vẻ như phức tạp cần chúng ta phải suy nghĩ trước khi thực hiện. Thế nhưng vì chúng đã thành thói quen, chúng ta có thể thực hiện chúng một cách dễ dàng mà không cần phải tập trung suy nghĩ.
Sự hình thành thói quen
Qua một nghiên cứu từ các nhà khoa học tại MIT về thói quen bằng cách quan sát hoạt động não bộ của chú chuột trong khi tìm kiếm miếng sô cô la đặt trong một mê cung. Dựa vào kết quả của thí nghiệm mà các nhà khoa học đã có thể tìm ra thứ hình thành nên thói quen cùng với đó là khái niệm về “vòng tròn 3 bước lặp lại của thói quen”
=>> Quá trình não bộ chuyển hóa một chuỗi hoạt động thành hành vi tự động gọi là “chunking” và là nguồn gốc của thói quen.
=>> Vòng tròn 3 bước lặp lại của thói quen được phát triển và hình thành trong hạch nền của não bộ.
Bước đầu tiên của vòng tròn này là “kích hoạt” có tác dụng như một nút khởi động để đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để sử dụng. Đối với chú chuột trong thí nghiệm là tiếng Click.
Bước kế tiếp là sự diễn ra của “chuỗi hoạt động” – có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc. Chuột bắt đầu đi, quan sát và ngửi mùi.
Bước cuối cùng là “phần thưởng” cho những hành động vừa rồi, chính là miếng sô cô la. Não bộ đánh giá phần thưởng này và sẽ quyết định vòng lặp đó có cần ghi nhớ để lặp lại và trở thành một thói quen hay không.
Theo thời gian, vòng lặp “kích hoạt, hành động, kết quả” trở nên tự động hóa. Khi “kích hoạt” và “phần thưởng” gắn kết với nhau, bộ não của chúng ta sẽ phát triển một cảm giác kỳ vọng mạnh mẽ, dẫn đến sự hình thành thói quen.
Vai trò của “phần thưởng” trong việc duy trì một thói quen
Các nhà khoa học tại Đại học New Mexico nghiên cứu 266 người để tìm hiểu thói quen tập thể dục đều đặn của họ. 92% nói rằng tập thể dục giúp họ cảm thấy vui vẻ hơn nhờ các hoóc-môn giảm đau và những chất dẫn truyền thần kinh khác do thể dục mang lại. 67% nói rằng thể dục mang lại cho họ cảm giác thành công, chiến thắng bản thân. Chỉ khi nào não bộ của họ mong đợi phần thưởng - hoóc-môn giảm đau hay cảm giác thành công – thì việc buộc dây giày mỗi sáng “kích hoạt” sẽ trở thành tự động.
=>> Những nghiêu cứu cho thấy “kích hoạt” và “phần thưởng” tạo ra thói quen, nhưng không thể làm cho một thói quen mới trở thành bền vững. Chỉ khi nào não bộ mong muốn những “phần thưởng” đó thì thói quen mới được kéo dài. Như vậy bên cạnh việc tạo ra một chuỗi hành vi tự động, “kích hoạt” còn tạo ra sự thèm muốn để có “phần thưởng”.
Nguyên tắc vàng để thay đổi thói quen
Qua câu chuyện về sự nghiệp của huấn luyện viên Dungy ở giải NFL, người đã dẫn dắt đội Tampa Bay Buccaneers từ một đội bị coi là yếu nhất trong giải, trở thành một đội đã vô địch giải Super Bowl vào năm 2003. Thông qua câu chuyện, người đọc có thể hiểu thêm được về cách thức làm thay đổi thói quen.
=>> Thói quen hầu như không thể bị xóa bỏ, mà chỉ có thể được thay thế bằng một thói quen khác. Nguyên tắc vàng để thay đổi thói quen là giữ nguyên phần kích hoạt và phần thưởng, và thay hành vi cũ bằng một hành vi mới.
Những thói quen chủ chốt có thể thay đổi thói quen khác
Câu chuyện về thói quen chủ chốt của nhà máy thép Alcoa. Ông O’Neill, nguyên là viên chức chính phủ thành công và một nhà quản lý lão luyện, được ban quản trị nhà máy thép Alcoa mời làm CEO. O’Neill thay vì tập trung vào các chỉ số kinh doanh thông thường đã triển khai một chính sách mới lạ mà nhờ nó Alcoa đã vươn lên trở thành công ty thành công và an toàn nhất trên toàn thế giới.
=>> Thói quen chủ chốt là những thói quen mà khi tổ chức hay cá nhân thực hiện sẽ tạo ra một ảnh hưởng giúp tổ chức, cá nhân thay đổi các thói quen khác theo hướng tích cực.
Sức mạnh ý chí là thói quen then chốt quan trọng nhất
Một nghiên cứu nổi tiếng của Đại học Stanford đã cho thấy rằng những đứa trẻ bốn tuổi với nhiều sức mạnh ý chí hơn (được mô tả bằng khả năng để chống lại sự cám dỗ của một cái kẹo dẻo ngon tuyệt) đã tiếp tục cải thiện cuộc sống về mặt học tập và về mặt xã hội hơn so với các bạn cùng trang lứa ít quyết tâm hơn.
=>> Sức mạnh ý chí, dường như, cũng là một thói quen then chốt có thể được áp dụng cho các mặt khác của cuộc sống. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng ý chí về thực tế là kĩ năng có thể học được.
=>> Ý chí thực sự giống như một cơ bắp: nó có thể trở nên mệt mỏi. Nếu bạn kiệt sức với nó và đang tập trung vào nó, ví dụ như, một bảng tính tẻ nhạt trong công việc, bạn có thể không còn ý chí nào để bước ra khỏi nhà. Nhưng sự giống nhau còn tiếp tục xa hơn: bằng việc hấp dẫn với những thói quen đòi hỏi độ sự quyết tâm – ví dụ như, tôn trọng một chế độ ăn uống nghiêm ngặt - bạn thực sự có thể tăng cường sức mạnh ý chí của bạn. Đó là một cách tập luyện ý chí, nếu bạn muốn.
Lời kết
Chìa khóa để mở cánh cửa thành công chính là sự nhuần nhuyễn những thói quen tốt. Đọc xong cuốn sách này, mình tin rằng bạn hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát thói quen, nắm chặt bánh lái để tự mình dẫn dắt cuộc sống của chính bạn. “Sức mạnh của thói quen” là một cuốn sách tuyệt vời không chỉ bởi những ý tưởng mới mẻ, những khám phá tỉ mỉ Charles Duhigg đã dày công thực hiện và tìm tòi, mà còn bởi sức ảnh hưởng to lớn của nó đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Hãy cùng tìm đọc cuốn sách này và quan sát cuộc đời bạn thay đổi!
Bình luận